Thứ Ba, 9 tháng 4, 2013

    THỬ LÝ GIẢI GIẤC MƠ CỦA VUA LÊ THÁNH TÔNG

       KS. PHAN DUY KHA

Tượng Vua Lê Thánh Tông được thờ tại Văn Miếu -
Lê Thánh Tông (1460-1497) là một vị minh quân trong lịch sử Việt Nam. Không chỉ thế, ông còn là người có tài văn học và đứng đầu Tao đàn nhị thập bát tú. Nhà vua để lại nhiều tác phẩm thơ vần cho đời, trong đó có tập Thánh Tông di thảo, gồm 20 truyện ký. Đặc biệt trong Thánh Tông di thảo, ta gặp một câu chuyện lạ. Đó là câu chuyện nhà vua ghi lại giấc mơ của mình (Mộng Ký).
Một lần, vua Lê Thánh Tông đi chơi, gặp mưa, nghỉ đêm bên hồ Trúc Bạch, mộng thấy có hai người con gái thời Lý Cao Tông (khoảng năm 1176 – 1210) hiện lên, dâng thư bày tỏ nỗi oan ức gồm một bài thơ bằng chữ Hán và một tờ tâu bằng chữ bản địa có 71 chữ ngoằn ngoèo. Vua không đọc được. Trải ba năm, cả triều đình không một ai đọc được tờ tâu đó. Thế rồi, Lê Thánh Tông lại nằm mộng có người hiện lên giảng giải cho vua rõ thêm về bài thơ chữ Hán. Vua hỏi âm, nghĩa của 71 chữ kèm theo thì người đó nói: “Chữ ấy là lối chữ cổ của nước Nam. Nay Mường Mán ở núi rừng có người còn đọc được, nhà vua vời họ đến thì tự khắc sẽ biết”.
 
35 chữ cái chữ Mường cổ (trích trong cuốn “Việt Nam cổ văn. học sử” của Nguyễn Đổng Chi)
Hãy phân tích hai giấc mộng của vua Lê Thánh Tông. Giấc mộng thứ nhất: nhà vua đi chơi và ngủ đêm ở ngoài Hoàng thành, vì vậy nằm mơ thấy hai người con gái thời Lý Cao Tông (một triều đại trước đấy 300 năm). Trước hết, tác giả đẩy giấc mơ ra phía ngoài Hoàng thành, để câu chuyện gần đời sống người bình dân, chứ không phải trong cung cấm. Chúng ta đặt vấn đề nghi vấn: đã là giấc mộng (không thật) thì làm sao có tờ tâu gồm 71 chữ ngoằn ngoèo (vật có thật) cho cả triều đình xem? Không lẽ Lê Thánh Tông sau khi thức dậy, cố nhớ ra để viết lại? Điều đó không thể thực hiện được đối với một loại văn tự mà ta không hiểu nghĩa: vậy có thể nói rằng giấc mộng này là do nhà vua hư cấu. Nhà vua bịa ra giấc mộng? Điều đó tưởng như khó tin nhưng lại là sự thực:
Giấc mộng nói lên điều day dứt, trăn trở của vua Lê Thánh Tông rằng phải chăng ở nước ta từng tồn tại chữ viết bản địa trước khi có chữ Hán xâm nhập vào?
Không phải ngẫu nhiên Lê Thánh Tông đặt vấn đề như vậy. Chúng ta còn gặp nhiều đoạn trong thư tịch nước ngoài ghi về sự tồn tại của chữ Việt cổ. Đó là lối chữ khoa đẩu, ngoằn ngoèo như con nòng nọc. Sách Thông giám cương mục do Chu Hi đời Tống soạn, chép: “Năm Mậu Thân đời Đường Nghiêu thứ 5 (2353 trước Công nguyên -TCN) có Nam di Việt Thường thị đến chầu, hiện con rùa lớn”. Cũng sự kiện này, sách Thông chí do Trịnh Tiêu đời Tống soạn, chép rõ hơn: ,lĐời Đào Đường, Nam di có Việt Thương thị qua nhiều lần thông dịch đến hiến một con rùa thần. Rùa được nghìn tuổi, rộng hơn ba thước, trên lưng có chữ khoa đẩu, chép việc từ lúc khai thiên lập địa đến nay. Vua Nghiêu sai chép lấy, gọi là lịch rùa (quy lịch)”.
Việt Thường thị (họ Việt Thường) là một tộc người làm ăn sinh sống trên vùng đất thuộc địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh bây giờ, mà trung tâm ở vào khoảng núi Hồng Lĩnh, vùng đất núi Hồng sông Lam ngày nay (Núi Hương Tích nằm trong dãy Hồng Lĩnh, trên đỉnh núi có thành đá. Trong thành có 99 cái nền bằng đá, tục gọi là đài Trang Vương. Phải chăng đây là lị sở của bộ tộc Việt Thường xưa?). Không phải ngẫu nhiên mà cả hai cuốn sử của Trung Hoa đều chép sự kiện này (về bộ tộc Việt Thường, thư tịch còn chép ở một số tài liệu khác) . Sử ký của Tư Mã Thiên cũng chép: “Đất Giao Châu ở phía Nam có Việt Thường thị, qua nhiều lần thông dịch, đến hiến một con chim trĩ trắng”. Như vậy, tộc Việt Thường ngang với đời Đường Nghiêu bên Trung Quốc. Còn các vua Hùng xuất hiện muộn hơn nhiều, vào đời vua Trang Vương nhà Chu, vào khoảng thế kỷ thứ VII TCN. Đại Việt sử ký ghi: “Đời vua Trang Vương nhà Chu (696-682 TCN) ở bộ Gia Ninh có người dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, truyền được 18 đời đều gọi là Hùng Vương”.
Như vậy, trước các vua Hùng rất lâu, đã từng xuất hiện bộ tộc Việt Thường có trình độ văn minh cao: có chữ viết, có trình độ khoa học để làm được “quy lịch”, có kiến thức cao về địa lý (có như thế thì mới có thể vượt qua bao núi sông cách trở hàng vạn dặm để đến được kinh đô Trung Hoa!). Các nhà sử học của ta xưa chắc đã nhầm, đặt Việt Thường thị vào thời Hùng Vương, nên đã kéo dài thời Hùng Vương đến 2.622 năm khi lập ngọc phả đền Hùng. Vì thấy số năm lớn quá, họ cho rằng mọi một đời vua Hùng (trong 18 đời Hùng) là một triều đại. Theo chúng tôi, cả 18 đời vua Hùng chỉ nằm trong một triều đại là triều Hùng mà thôi. Việc 18 đời vua kéo dài khoảng 400 năm (từ thế kỷ VII đến thế kỷ III TCN), trung bình mỗi đời vua kéo dài khoảng hơn 20 năm là hoàn toàn hợp lý. Nên nhớ rằng: hồi ấy vua tôi đồng lòng, trên dưới hòa hợp chứ không có tình trạng cướp ngôi, thoán đoạt như ở các chế độ phong kiến sau này. “
Vào thời Hùng Vương, trong 15 bộ thuộc cương vực nước Văn Lang, ta thấy có bộ tộc Việt Thường (có thể đến lúc này, các vua Hùng đã đủ mạnh, thu phục được 15 bộ tộc vào quốc gia của mình, bộ tộc Việt Thường cũng nằm trong số đó). Thế nhưng, có điều làm chúng ta thắc mắc là tại sao các vua Hùng thu phục được bộ lạc Việt Thường mà không kế thừa nền văn minh chữ viết của bộ tộc này để phát triển thành chữ viết của cả quốc gia? Trong các truyền thuyết về thời Hùng Vương không hề thấy nói đến chữ viết. Các thư tịch Trung Hoa ghi lại thời kỳ này của ta cũng không thấy nói đến văn tự. Điều đó chỉ có thể giải thích là các cư dân bộ tộc Việt Thường đã giấu bí mật chữ viết của mình và di cư sang một địa bàn khác. Khả năng đó cũng có thể xảy ra. Lịch sử thời phong kiến Việt Nam cũng đã xảy ra sự kiện tương tự như thế. Các triều đại phong kiến Đại Việt đã thôn tính dần Chiêm Thành, nhưng không hề kế thừa, sử dụng đến nền văn minh chữ viết của vương quốc này. Điều này càng minh chứng cho luận cứ trên. Như vậy, điều nghi vấn của Lê Thánh Tông là hoàn toàn có căn cứ.
Giấc mơ thứ hai của vua Lê Thánh Tông biểu hiện rằng lối chữ khoa đẩu là lối chữ cổ của nước ta mà một số người Mường Mán ở miền núi còn đọc được. Đây lại là điều nghi vấn thứ hai của Lê Thánh Tông về sự tồn tại chữ cổ của dân tộc hiện còn ở một số tộc người miền núi. Điều nghi vấn của Lê Thánh Tông không phải không có căn cứ. Trong cuốn Việt Nam cổ văn học sử của Nguyễn Đổng Chi,” tác giả còn sưu tầm được 35 chữ cái của dân tộc Mường tỉnh Thanh Hoa, lối chữ ngoằn ngoèo như con nòng nọc.
Phải chăng đó là lối chữ khoa đẩu của bộ tộc Việt Thường xưa mà cư dân mang theo lên miền núi? Vào khoảng những năm 1970, các nhà khảo cổ học phát hiện được một chiếc trống đồng ở Lũng Cú (Hà Tuyên), trên mặt trống cũng có những đường cong lạ mà các nhà nghiên cứu đặt vấn đề nghi vấn có thể là chữ viết. Lê Thánh Tông là một ông vua rất chú trọng sưu tầm văn hóa dân tộc và di sản văn hóa của cha ông” Có thể trong thời kỳ ấy, từng xuất hiện những văn bản cổ đã đến tay nhà vua. Ông và triều đình không thể lý giải được nên đã “hư cấu” thành câu chuyện một giấc mộng, nhằm gửi gắm điều nghi vấn của mình cho hậu thế.
Theo các nhà ngôn ngữ học thì ngôn ngữ địa phương vùng Nghệ Tĩnh ngày nay còn giữ lại nhiều từ Việt cổ (như nước = nác, cây = cơn, lửa = lả, lúa = ló…) và có nhiều nét tương đồng với ngôn ngữ dân tộc Mường. Phải chăng đồng bào Mường ngày nay chính là hậu duệ của cư dân bộ tộc Việt Thường ngày xưa?
Tổng hợp tất cả các điều phân tích trên, chúng ta có thể suy đoán như sau: vào trước thời kỳ Hùng Vương, ở vùng Nghệ Tĩnh cũ đã xuất hiện một bộ tộc Việt Thường có trình độ văn minh cao, đã có chữ viết. Vào khoảng thế kỷ VII TCN, các vua Hùng đã thu nạp đất đai của bộ tộc này vào Văn Lang. Phần lớn cư dân của bộ tộc vì một lý do nào đó, đã di cư lên miền núi, mang theo những bí mật về chữ viết của mình – đó là tổ tiên của dân tộc Mường ngày nay. Lối chữ khoa đẩu mà cư dân bộ tộc Việt Thường phát minh – được nhắc tới trong thư tịch cổ Trung Hoa – phải chăng là nguồn gốc xa xôi của chữ Mường cổ, chữ Phạn cổ (trên bia đá Võ Cạnh Khánh Hòa, thế kỷ II – III), chữ khắc trên đá ở di chỉ Óc Eo (An Giang, thế kỷ II – VII) trên địa bàn Việt Nam mà chúng ta đã được biết tới?
Nghiên cứu nền văn minh chữ viết của dân tộc Việt Nam là một công việc vô cùng khó khăn. Phạm vi bài viết này chỉ nêu một số nét có tính chất phác thảo. Điều mà Lê Thánh Tông nêu ra cách đây 500 năm, đến thời đại chúng ta vẫn còn rất nhiều bí ẩn. Giấc mơ của vua Lê Thánh Tông – niềm day dứt trăn trở của ông, cũng chính là niềm day dứt trăn trở của chúng ta!
* Nguồn: NHÌN LẠI LỊCH SỬ, nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin, Hà Nội 2003, Tác giả: KS. PHAN DUY KHA – TS. LÃ DUY LAN – TS. ĐINH CÔNG VĨ.

15 nhận xét:

  1. Bài viết hay quá. Lịch sử cũng còn nhiều điều phải khám phá. Nếu đúng là chữ viết của ta có từ lâu như thế thì người Việt xưa thật văn minh. Cảm ơn Trâm đã cho biết thêm nhiều điều mới mẻ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chữ viết của ta có từ lâu, nhưng do một lý do nào đó mà không phát triển được. Khi Trung Quốc đô hộ, các cụ ta vẫn không chịu dùng tiếng Hán hoàn toàn mà sáng tác ra chữ Nôm. Và đầu TK 20 nước ta chính thức dùng chữ quốc ngữ.

      Xóa
  2. Em có biết một tahỳ giáo Phú thọ Tên là Xuyền ( Nhà văn Khánh Hoài) đọc được chữa Việt cổ,... chả biết có liên quan gì đến kiểu chữa Mương mán này không?!
    Chị khỏe không. Hôm nay bỗng lạnh hơn. Tháng ba bà già cố KHỎE nhé chị ơi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có dịp nà giới thiệu cho chị anh Xuyền ấy nhé, chị muốn hiểu biết thêm. Cám ơn Hạt Cát hỏi thăm, sức khỏe chị cũng ổn.

      Xóa
  3. Về ngôn ngữ nhất là tiếng nói và chữ viết cổ thì tôi hầu như hiểu biết quá ít, nhưng vấn đề cụ nêu lên thì rất muốn tìm hiểu. Chúng ta có các trường ca vùng miền dân tộc như "Đẻ đất đẻ nước" thì chắc là có thể có "đẻ chữ".
    Sách Đại Nam quốc sử diễn ca, ngay đoạn đầu có nói về địa danh Việt Thường;
    Các câu 49, 50: "Hoài , Hoan: Nghệ, Cửu Chân: Thanh / Việt Thường là cõi Trị, Bình trung châu " (khi đang nói về bờ cõi nước ta hồi mở đầu); và có chú thích: "Ý nguyên tác là bộ Việt Thường tương ứng với đất đai của Q.Bình và Q.Trị (tức là vùng ở giữa).Thực ra, đất của bộ này tương ứng với Q.Bình, Q.Trị và Thừa Thiên Huế, tức là từ Đèo Hải Vân trở ra đến Đèo Ngang của Hà Tĩnh.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lối chữ khoa đẩu mà cư dân bộ tộc Việt Thường phát minh ( có được nhắc tới trong thư tịch cổ Trung Hoa) đã được nhiều người nghiên cứu và khẳng định. Hiện nay các nhà nghiên cứu về lịch sử tiếng Việt vẫn đi sâu tìm hiểu và có kết luận gần nhau. Vua Lê Thánh Tông đã tìm hiểu vấn đề này từ TK 15, 16 chứng tỏ công lao của ông, lòng tự hào dân tộc của ông thật đáng nể trọng.
      Cảm ơn anh đã đọc nhiều, thu lượm được nhiều về đất nước, về dân tộc Việt.

      Xóa

  4. [img]http://t1.gstatic.com/images?q=tbn:ANd9GcRj61CQYenL3_b8LE43M5FGlUQwkna54wls5M8_o9swRXNB86Gl-g[/img]
    Chỉ cần vào google và gõ "chữ khoa đẩu" là sẽ hiện lên hình ảnh và rất nhiều bài nghiên cứu về chữ khoa đẩu, theo đó chữ khoa đẩu có những chữ cái như con nòng nọc và ghép với nhau thành phiên âm. Ảnh trên là HỊCH KHỞI NGHĨA của Hai bà Trưng, viết bằng chữ khoa đẩu. Cảm ơn bài sưu tầm rất có ý nghĩa của chuyên gia ngôn ngữ học.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trong bài tôi đưa lên cũng có đăng bản về chữ khoa đẩu, nhưng tôi copy không được. Tôi sẽ cố cop một lần nữa để mọi người xem và hình dung. Cảm ơn góp ý của bạn.

      Xóa
  5. Mình không giám đề cập đến ngôn ngữ, nhưng qua đây thấy vua Lê Thánh Tông rất uyên bác, khôn ngoan và yêu nước.

    Trả lờiXóa
  6. Bạn đến đọc và hiểu về Lê Thánh Tông, hiểu sự quan tâm tới chữ viết là quý lắm rồi. Nhân đọc bài này, Trâm cũng tìm đọc thêm trên Google về nhà vua. Thật là một con người tuyệt vời, một vị vua vừa có tài, có tâm, có đức và có một tầm nhìn rống bao la. Chúng ta cảm ơn ông và tự hào về ông.

    Trả lờiXóa
  7. Mơi đây, tháng 3/2013, Em có đọc bài báo về người tim thấy chữ Việt cổ , có đoạn:
    ..Chữ của người Việt cổ là chữ Khoa Đẩu, từng chữ bốc lên như ngọn lửa, nên gọi là Hỏa tự. Sau nửa thế kỷ miệt mài tìm kiếm, Nhà nghiên cứu chữ cổ Đỗ Văn Xuyền là người đầu tiên công bố đã tìm thấy chữ viết của Vua Hùng....
    ...ông Xuyền đã thay đổi hướng đi: đến với các nơi hang cùng ngõ hẻm, rừng sâu núi thẳm. Và đúng như ông dự đoán: Điều tổ tiên ta đã có chữ viết ngay từ thuở bình minh của nhân loại, không cần tìm đến sự ghi chép của cổ sử Trung Hoa, mà ngọc phả của bốn ngôi miếu ở xóm núi Bàn Giản, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc đã ghi đầy đủ. Ngôi đền thờ ở La Nội, Hà Tây còn chép lại cả bài văn mà Hùng Vương khắc tặng Vua Nghiêu ngày ấy.
    Như vậy, đến nay giấc mơ của vua Lê thánh Tông đã được giả mã phải không chị? Em ghi lại địa chỉ bài báo chị nhé!
    nhandan.com.vn/cuoituan/doi-song-van-hoa/item/19768702.html

    Trả lờiXóa
  8. Đọc bài mà suy ngẫm :
    Con hơn CHA - nhà có PHÚC !
    Con thua CHA - sao đây ? ? ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trâm hiểu ý của Nhật Lệ rồi! Vua Lê Thánh Tông, rồi Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ..., gần hơn là Bác của chúng ta... những người xuất chúng. Họ đóng góp nhiều cho đất nước trong từng giai đoạn. Công sức của thế hệ trước dồn vào rất nhiều, và đến một thời điểm nào đó mới thành công. 70 năm qua nước ta đã bỏ rất nhiều công sức, và thu được nhiều thắng lợi, mặc dù còn rất nhiều điều hạn chế, sai trái, lạc hậu. Trên blog ta cũng có bài viết, đại ý là VN sẽ không xuất hiện thiên tài! Hy vọng vào thế hệ Ngô Bảo Châu và sau nữa Lệ ạ. Chuyện với nhau cho vui nhé.

      Xóa
  9. Song Thu ơi, Hạt Cát cũng comment cho chị, có câu "Em có biết một tahỳ giáo Phú thọ Tên là Xuyền ( Nhà văn Khánh Hoài) đọc được chữ Việt cổ,... ". Vậy người này chắc trùng với anh Đỗ Văn Xuyền em nói. Chị sẽ tìm đọc bài của em. Cảm ơn em nhiều.

    Trả lờiXóa
  10. Tôi là Phan Duy Kha, tác giả của bài viết này. Cảm ơn bạn đã đăng bài viết của tôi lên trang mạng của bạn. Cảm ơn các bạn đọc đã có nhiều nhận xét thông qua trang mạng NGỌC TRÂM. Mời các bạn qua trang mạng của tôi , đề cập rất nhiều về Văn minh Việt cổ , về đề tài Hùng Vương. Tôi cũng có đăng bài về công trình giải mã chữ Việt cổ của Thầy giáo Đỗ Văn Xuyền (tức nhà văn Khánh Hoài). Xin mời Ngọc Trâm và các bạn vào trang mạng của tôi nhé.

    Trả lờiXóa

tramngoc4x@gmail.com