Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

CHƯA THẤY AI THẬT THÀ ĐẾN VẬY


(Dương Nghiệp Chí)
Bạn Hoàng Thế Long mấy lần thúc dục tôi:
- Tớ nghe nói hồi nhỏ cậu nghịch ngợm, “ba gai” lắm phải không? Cái hồi cậu ở Nam Ninh mà mãi tới đầu lớp 8 chúng mình mới chuyển từ Quế Lâm về đấy ấy mà! Cậu viết lại thời ấy đi, ôn lại những kỷ niệm vui thôi mà, còn ai chẳng biết chúng mình đã trưởng thành ra sao. Đúng Không?
- Ừ thôi được, để sau này mình viết – Tôi trả lời.
Nhớ lại, khoảng năm 1959, tôi kể chuyện “ba gai” thời nhỏ cho Lệ Tiến nghe. Bà ấy cười rũ: “Đúng là “ba gai” thật và cũng rất thật thà”. Gần đây bạn Ngọc Trâm gợi ý, tôi kể lại vài chuyện, cũng cười khanh khách. Chắc đây là thời điểm thích hợp để tôi thực hiện lời hứa với bạn Hoàng Thế Long: “vui thôi mà”!
 


Đó là cuối năm 1952, khi tôi 11 tuổi. Quế Lâm thời ấy đẹp mộc mạc, nguyên sơ. Chúng tôi, được tạm gọi là “những đại đội thiếu sinh quân” đầu tiên, đặt chân tạm bợ tới học tập, tập luyện ở Quế Lâm. Vào một buổi chiều, anh Tuấn và anh Cường, hơn tôi 3-4 tuổi tuy cùng lớp, rủ tôi vào một cái hang còn nhiều chiến tích cũ để lại.
- Cậu thích bắn súng không? Anh Tuấn hỏi.
- Có chứ! Tôi vội đáp
Anh Tuấn móc trong hốc ra một khẩu súng lục “pạc-khoọc” rõ to, nạp đạn:
- Đây, bắn đi đừng sợ, nhưng phải nắm chắc bằng hai tay, khéo bị giật ngã đấy!
Tôi làm theo lời anh Tuấn, “đoàng”, một tiếng nổ xé trời, súng rơi xuống đất. Từ đó, cả ba hợp nhau, anh Tuấn là sếp lớn.
Cả ba đều có “sáng kiến” nghịch ngợm, hiếu kỳ tới số. Rồi cả trường chuyển về khu học xá Nam Ninh. Chúng tôi cùng học phổ thông. Cuối lớp 5 cạn cái để nghịch. Cả 3 rủ nhau “đột kích” mọi chốn gọi là hiểm hóc. Tôi bé nhất nhưng nhanh nhẹn nhất, được sai khiến đột nhập mở màn. Nơi làm banh bao và cất giữ để sáng sớm phát cho cả trường ăn, được coi chốt đóng then cài, khó ai đột nhập. Cứ 12 giờ đêm tôi được giao phải vào được phía trong khuân vài chục cái bánh bao ra, còn hai anh kia đứng ngoài canh. Tường cao, cửa ra vào, các cửa sổ khóa chặt, nhưng lần nào cũng khuân được. Thế rồi nhà Hiệu bộ cao ba tầng, nhiệm vụ “bất khả thi” của tôi là leo tường vào thám thính phòng làm việc của ông Hiệu phó Dân ở mãi tầng ba. Leo tường, mở khóa phòng, tôi xuống báo cáo sếp lớn: “Chẳng thấy gì. Trên bàn có một quả táo, ít kẹo. Thế thôi!”.
- Cậu dốt quá, leo lên vất vả thế mà không đem quả táo, ít kẹo xuống đây liên hoan – sếp lệnh leo lại.
Ít phút sau, liên hoan xong “bữa đêm” rồi về. Cứ thế thỏa mãn nhu cầu hiếu kỳ, nghịch ngợm rất nhiều lần và tương tự, loạn cả khối học sinh phổ thông, nhà trường điều tra, ngăn chặn không nổi.
Lần cuối, tôi hành sự một mình. Buổi trưa nắng chang chang, tôi đang nằm ngủ ở ghế đá ven hồ, thoạt nhìn thấy hơn một chục công nhân Trung Quốc cởi áo khoác nghỉ trưa cách tôi khoảng vài chục mét. Máu “thám tử” nổi lên, tôi lần mò tới nắn các túi áo khoác treo trên cành cây. Tiếng ngáy đều đều, công nhân vẫn yên giấc. Tôi móc túi áo lấy tiền, về nằm chỗ cũ quan sát, cũng chẳng thèm đếm tiền. Cứ thế quan sát 3-4 giờ liền, cho tới khi công nhân tan ca. Bỗng một trong số họ khóc rống lên, móc mãi túi cho mọi người xem. “Chắc là ông bị móc túi mất tiền” – tôi đoán. Bỗng tôi thấy vô cùng ân hận, chợt nghĩ: cái nghịch ngợm hiếu kỳ của mình chính lại là làm hại người, vô nhân đạo. Ông ấy lao động, rồi lấy tiền đâu mà sống, mà nuôi gia đình! Rơm rớm nước mắt, tôi chạy theo trả tiền cho ông ta. Cả đám công nhân sững sờ, ông ấy vừa khóc vừa cười, nói gì đó có vẻ rất xúc động. Tôi vụt chạy. Không ngờ đó chính là tôi sẽ chạy khỏi sự hư hỏng mang bản chất nghịch ngợm thưở nhỏ tuổi.
Sau một tuần lặng người, suy nghĩ, thổn thức. Tôi hẹn gặp anh Tuấn và anh Cường. Ánh trăng tỏa sáng mặt hồ như muốn đưa con người trở lại đúng với bản chất.
- Tôi muốn nói với hai anh một việc rất quan trọng – Tôi lên tiếng.
- Nói đi, hôm nay có gì mà nghiêm trọng thế - Anh Tuấn nói, nhìn sang tôi rồi sang anh Cường.
- Tôi quyết định tự giác mọi lỗi lầm của chúng mình qua thầy Truyền (giáo viên chủ nhiệm), nhưng muốn cả ba cùng đi tự nhận lỗi, các anh nên như vậy. Tôi không muốn đi một mình, muốn nói thật với các anh.
Trăng lẩn khuất vào đám mây, trời tối sầm hẳn. Khoảng nửa giờ, không một tiếng động.
- Cường, cậu thấy thế nào? Anh Tuấn nói giọng khàn hẳn.
- Tôi theo ý anh – Anh Cường nói thản nhiên.
- Thôi được. Chúng tao tha cho mày, gọi mày tao cho thân mật thôi! Cả đời, tao chưa thấy ai thật thà đến vậy! Thật thà không giấu chúng tao, cũng không lo sợ chúng tao đập chết mày. Mày có chí khí đấy. Dừng giây lát anh Tuấn nói tiếp:
- Mày muốn đi tự giác thì cứ đi, đã nói thì nói thật tất cả, chúng tao chẳng sợ gì đâu. Còn chúng tao chắc chắn không tự giác. Chúng tao lâu nay ngán ngẩm học ở đây rồi, chỉ muốn về nước tham gia kháng chiến, hoặc ít ra cũng sống tự lập, giúp đỡ gia đình. Thằng Cường thấy thế nào cứ nói.
- Tao hoàn toàn tán thành ý kiến thằng Tuấn – chúng tao về nước. Rồi anh Cường nhìn sang tôi hất đầu nói tiếp:
- Còn mày, tao khuyên mày nên ở lại học nốt vì còn nhỏ tuổi. Chúng tao chưa từng coi mày là con người hư hỏng, vô tích sự. Tao tin mày có tương lai tốt. Tao không nói đùa đâu! Tao và thằng Tuấn thường khen mày, nhưng không để mày biết thôi.
Ngay sáng hôm sau, tôi đi tự giác và nằng nặc xin thầy Truyền để cả ba viết kiểm điểm. Nếu hai anh kia suy nghĩ lại, cùng tự giác, xin nhà trường cho hai anh ấy tiếp tục học. Thầy Truyền đồng ý. Buổi chiều, một phòng học vắng tanh, ba người ngồi ba góc. Tôi cắm cúi viết. Hai anh Tuấn, Cường ngồi lặng lẽ không viết một chữ. Đó là ngày 12 tháng 5 năm 1956,  chúng tôi chia tay, tôi tiếp tục học lớp 6, không bị kỉ luật.
Khoảng 10 năm sau, anh Cường tìm đến thăm nhà tôi ở 19 Thụy Khuê. Khi ấy cuộc sống của ai cũng khó khăn, nhưng vẫn giữ được tình xưa nghĩa cũ. Sau này tôi mới nghe nói anh Tuấn làm ăn buôn bán gì đó, cuộc sống không đến nỗi tồi.

Tới tuổi già, nếu các bạn vào “google” tìm “Dương Nghiệp Chí” (bài “Cả cuộc đời gắn bó với thể thao”), tác giả HKT viết rất đúng: “Khi còn rất trẻ, một nửa của ông đã đi vào cõi vĩnh hằng”. Tôi buộc phải dốc toàn lực để vươn lên trong cuộc sống. Và khi con tôi khôn lớn, tôi chỉ dặn bảo một điều: “Không phải cái gì cũng nói, nhưng đã nói thì nói thật, không nói dối; không phải cái gì cũng làm, nhưng đã làm thì làm thật, đừng làm giả dối”. Một triết lý được in hằn trong tôi ngay từ năm 15 tuổi, qua mẩu chuyện kể trên.

Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2013

ĐÔI MẮT & chất LUTEIN kỳ diệu.


.Đôi mắt vô cùng quý hoá.:

Bài này rất có ích cho quý bạn !
 Xin gửi đến quý anh chị bài nói về mắt!

Mắt & Chất Lutein Kỳ Diệu 1.  Đôi mắt là cửa sổ của linh hồn, điều này ai cũng biết nhưng không ai để ý. Cho đến khi đôi mắt bị mờ, mới vội vã đi tìm Bác sĩ Nhãn khoa.Thông thường người ta hay nghĩ mắt mờ chỉ cần thay gọng kính là xong ngay. Nghĩ như thế là lầm.Năm 2007 thống kê Hoa Kỳ cho biết là số người đi tune up xe hơi nhiều hơn là đi khám mắt.-Trong ngũ giác, mắt -thị giác - là điều đáng sợ nhất vì nếu như đời đen tối thì còn gì là lẽ sống nữa.Có 3 căn bệnh đưa đến sự mù mắt là mắt cườm, áp xuất trong mắt cao (glaucoma) và bệnh suy thoái của võng mạc (age related macular degeneration viết tắt là A.M.D)Có 2 chất lutein và zeaxanthin là chất carotenoids giúp chống lại các bệnh về mắt khi ta về già. Hai chất này không có ở trong cơ thể mà phải do thức ăn và dinh dưỡng đem đến.Chất Lutein tạo thành màu vàng của trái bắp và lòng đỏ trứng gà. So với 2 năm trước đây chỉ có 40% người Mỹ là biết đến chất này mà thôi, ngày nay con số đó lên tới 60%. Ngoài sự bảo vệ đôi mắt, 2 chất này còn giúp trợ tim và bộ óc làm việc đắc lực thêm nữa. Đó là 2 chất antioxidants chống free radicals hay tàn phá tế bào các mô.1.Mắt Cườm (Cataract)Người tuổi già từ 65-74 thì 23% sẽ bị mắt cườm và nếu từ 75 trở lên, con số là 50%. Mắt cườm là khi thủy tinh thể của con mắt bị mờ dần cho đến khi trắng xóa, gây mù mắt. Cũng giống như lòng trắng trứng gà, nếu đun sôi thì từ từ sẽ biến từ thể lỏng sang thể đặc, ánh sáng làm sao xuyên qua được.Thủy tinh thể được cấu tạo bằng chất đạm (protein) trong đó chứa lutein và zeaxanthin, tuy rằng không nhiều bằng ở trong võng mạc.Bịnh mắt cườm là so sự hấp thụ tia hồng tuyến ngoại (ultra violet) của ánh mặt trời, do đó nên đeo kính mát là cách để ngăn chận sự hấp thụ này. Bịnh mắt cườm còn là bệnh của tuổi già, nhưng nguyên nhân chính là do “free radicals” mà ra. Người ta khám phá ra rằng có từ 40 đến 50 căn bệnh con người đều do free radicals gây nên.- Người nào thường xuyên tiếp thu 2 chất này sẽ giảm được bệnh mắt cườm và sẽ không bị giải phẫu mắt nữa.Bác sĩ nhãn khoa sẽ làm lỏng thủy tinh thể bằng lutein vibration, sau đó hút hết ra và thay thế bằng một contact lens. Lutein có ở trong rau dền (spinach) mà có mấy ai ăn rau này hàng ngày đâu?Nên cử hút thuốc, uống rượu, tránh tia X rays khi chiếu điện, người nào bị bệnh tiểu đường có cơ nguy bị bệnh mắt cườm sớm hơn là người thường.Sau đây là những sinh tố giúp chống bệnh mắt cườm:- Sinh tố A (cần từ 25.000 đến 50.000 U)- B1, B2, B5 tức B complex 50mg mỗi ngày,Sinh tố C 3000mg uống 4 lần một ngày,- Sinh tố E400 I.U cần chất zinc 50mg không quá 100mg.Ngoài công hiệu bảo vệ đôi mắt, chất lutein còn ngăn lượng LDL tức là chất cholesterol xấu tăng và bám vào thành mạch máu, giảm sự lưu thông của máu dẫn đến bệnh tim và stroke.Lượng lutein còn giúp tăng sự hoạt động của não bộ. Còn chống được sự tàn phá của ánh nắng mặt trời trên làn da và ung thư da. 2.  2.Bệnh A.M.D age related macular degenerationTrên võng mạc có một điểm giúp ta nhìn thật rõ chi tiết đó là điểm macula. Điểm này khi ta về già thường bị suy thoái dẫn đến mù mắt. Do free radicals tàn phá, điểm macula chứa đựng rất nhiều 2 chất lutein và zeaxanthin, nên càng về già phải cung cấp 2 chất này cho đầy đủ.Thí nghiệm cho thấy những người già dùng 10mg lutein mỗi ngày giảm bệnh này rất nhiều. Ngoài ra nên ăn nhiều rau xanh như rau dền (spinach), rau broccoli, rau cải (bok choy).3. Bệnh GlaucomaBịnh này do áp xuất trong con mắt từ từ tăng lên làm hư hại dây thần kinh mắt gây sự mù lòa, nếu không chữa kịp thời. Đó là nguyên nhân thứ nhì gây sự mù mắt bịnh mắt cườm. Xảy ra sau tuổi 60 có thể sớm hơn từ 40 tuổi, do thiếu dinh dưỡng, stress và bệnh tiểu đường.Áp xuất trong con mắt khác với áp xuất trong mạch máu. Có thể xảy ra từ từ gọi là kinh niên hoặc cấp tính.Triệu chứng gồm có mắt mờ, mắt nhìn hạn hẹp (tunnel vision), nhức mắt, buồn nôn, mắt đỏ.- Chỉ có BS nhãn khoa mới định được bệnh này. Cách chữa dùng thuốc nhỏ mắt như timolol maleate làm giảm áp xuất, có người phải nhỏ suốt đời.Nếu không thuyên giảm một ngày nào đó bệnh trở thành cấp tính, áp xuất tăng quá cao, nước trong mắt không có lối thoát phải đưa đi nhà thương cấp cứu liền để chữa trị bằng tia laser nếu không sẽ bị mù tức khắc.-Cách ngăn ngừa: Nên ăn rau trái ăn nhiều hạt nguyên chất như bánh mì nấu, ít dùng chất béo, tránh uống cà phê, rượu, thuốc lá.Dùng thêm sinh tố A, B1, C alpha lipoid acid, khoáng chất như chromium, magnesium, lecithin fatty acids, ginkgo biloba, bilberry chống quáng gà lúc chập tối (các phi công thời đệ nhị thế chiến hay dùng bilberry để nhìn rõ lúc bay phi vụ ban đêm).- Ngoài ra có chất pycnogenol lấy từ vỏ cây thông bổ sung mạch máu nuôi con mắt là một chất antioxidant chống free radicals cần chất Zinc.Tóm lại, phòng bệnh hơn trị bệnh, các cụ có thể ngăn ngừa các bệnh về mắt nếu dùng thêm Lutein và zeazanthin cùng các sinh tố kể trên.Tất cả đều tìm thấy ở trong bột gạo lức mà giờ đây tôi mới được biết chưa có thức ăn thiên nhiên nào sánh bằng.



Thứ Năm, 20 tháng 6, 2013

ƯỚC GÌ

ƯỚC GÌ ( Thơ Ngọc Trâm và Kong Ly)

BĐH -Nhân ngày Hội trường 25/8/2008 nhiều Bloggers đã có bài viết nói lên những suy nghĩ của mình về mái trường đã nuôi dưỡng chúng ta trong tình yêu thường thày trò bầu bạn . Xin giới thiệu bài thơ Ước gì của Ngọc Trâm và bài thơ 6/8 chuyển thể của Kong Ly (đã xuất hiện trên Blogg của Ngọc Trâm với nhiều comments xúc động) 

ƯỚC GÌ 
(Nguyên tác : Ngọc Trâm) 
               



Ước gì có máy ngược thời gian: 
Tôi được ngồi bên chính chiếc bàn 
Xung quanh cậu bé, cô bé cũ 
Hút hồn nghe thầy giảng vang vang. 

Ước gì tôi – bạn vẫn như xưa, 
Chắp cánh cùng nhau bao ước mơ, 
Đời đẹp rỡ ràng đang phía trước, 
Chỉ muốn nhanh lên: cuộc sống chờ. 

Ước gì tôi chẳng bỏ quên chi, 
Tình bạn, tình thầy luôn gắn ghi, 
Tình người sâu thẳm mênh mang thế, 
Sao lúc mơ màng để nhãng đi. 

Quay ngược lại nào thời gian ơi! 
Một lần, dù chỉ một lần thôi, 
Cho tôi sống ĐẸP thời thơ bé, 
Nơi đã dạy tôi BIẾT LÀM NGƯỜI. 
Ngoc Trâm 

Công Lý lần đầu tiên tham gia kỷ niệm Hội trường tại KS Tây Hồ 
ƯỚC GÌ 
( Kong Ly chuyển thể thơ 6/8)

Ước gì trở ngược thời gian, 

Cho tôi ngồi lại chiếc bàn năm xưa. 
Bên tôi bè bạn ngây thơ, 
Lắng nghe lời giảng Thày, Cô năm nào. 
Ước gì Tôi, Bạn cùng nhau, 
Chắp lên đôi cánh ước ao năm nào. 
Cùng nhau vui vẻ đón chào, 
Cuộc đời phía trước muôn màu thắm tươi. 
Ước gì luôn có tiếng cười, 
Tình Thày, nghĩa Bạn một thời ấu thơ. 
Ước gì không chỉ trong mơ, 
Mà còn đọng lại bây giờ, hôm nay. 
Thời gian ơi, quay lại ngay, 
Dù cho chỉ một lần này mà thôi. 
Cho tôi sống đẹp trọn đời, 
Từ ngày thơ bé dạy tôi nên người. 
 (Kong Ly)
Chia sẻ:
Bạn cảm thấy bài blog này như thế nào?

Thứ Hai, 17 tháng 6, 2013

TẢN MẠN TUỔI GIÀ

      TÁC PHẨM CHỌN IN SÁCH                                                                                                                          
                                                                                                                        Dương Nghiệp Chí

     Đúng là dòng sông nào cũng không ngừng chảy, còn những kỷ niệm cứ ứ đọng lại như được bao quanh bởi bốn bức tường thép, ngày càng đầy ắp. Thường thì những kỷ niệm thời càng trẻ, càng nằm sâu phía dưới, nhưng ở tôi lại khác. Những kỷ niệm thời trẻ cứ trỗi lên trên. Nó trỗi lên trong đôi khi rảnh rỗi. Nó trỗi lên cả trong những giấc mơ. Người ta bảo loại người như tôi, về già lại hay sống nặng với quá khứ. Thật vậy, cái quá khứ đầy ắp những kỷ niệm, chỉ có thể điểm qua vài nét.
Ở tuổi ngoài bảy mươi, tôi vẫn say đi họp lớp Quế Lâm – Nam Ninh, say gặp lại các bạn học cùng thời Chu Văn An, 8G, 9G, 10H gì đó từ những năm 1958-1960. Tôi say hơn cả họp chi bộ, cho dù đã 46 tuổi Đảng. Bao nhiêu năm qua gặp gỡ, làm việc với hàng vạn người, vẫn không tìm thấy người bạn nào làm tôi say như những bạn tôi thời ấy.
Tôi say vì thời ấy thơ mộng. Cái thơ mộng mới dám đi tới tận cùng cuộc sống. Có lần tôi được “lệnh” của Lệ Tiến, dù bận mấy cũng phải đi xe đạp, phải “lội sông” về nhà ông Q để thẩm tra gia đình người yêu của Ngọc Trâm ở tận vùng quê Thái Bình. Về tôi báo cáo: “Gia đình nông dân thật thà, hình như còn có mỗi con gà cũng thịt cho anh ăn; Cản mãi không được!”. Gần đây ngồi ăn với ông Hữu Lý, ông bùi ngùi nhắc tới bạn cũ: “Này, cũng tội cho Thế Kỷ - ông còn nhớ nó chứ - đời bác sĩ cứ long đong mãi”. Đấy! nó thơ mộng đến nỗi cuộc sống về già cả rồi, vẫn coi chức vụ không mấy quan trọng, mà sự khổ đau hay vui sướng của bè bạn mới đáng được ngậm ngùi.
Tôi say vì thời ấy quá vô tư, quá chân thật. Mà có lẽ, đây chính là cái nền trong cuộc sống của chúng ta mãi tới khi về già. Tôi nhiều lần gặp vợ chồng ông Quốc Khải từ Sài Gòn ra chơi. Có lần ông Khải than phiền: “Không biết cậu H của chúng mình có bị gì không mà báo chí cứ đăng tùm lum về cái tội dính dáng đến “Chính phủ điện tử” gì đó, tôi hơi lo cho H, nhưng chẳng tin”. Tôi hùa theo: “Tôi cũng chẳng tin, chúng mình lạ gì tính cậu H từ nhỏ, chắc bị dại dột vào tròng thôi, thế mạng cho kẻ khác ấy mà, chẳng sao đâu!”. Đấy cái nền của cuộc sống vô tư, cuộc sống chân thật , gần như bản chất sinh học tâm thể, làm sao lại có thể trưởng thành mang theo yếu tố tội phạm! Hiếm lắm, nếu không nói là không thể. Một niềm tin gần như tuyệt đối về cái chân thật, vô tư của những người bạn tôi.
Tôi say vì thời ấy được giáo dục toàn diện, khác hẳn thời nay. Cái thời được giáo dục tri thức, kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp… thể dục thể thao và lao động là những phương tiện rất quan trọng mà các nhà xã hội học Mỹ đánh giá rất cao đối với giáo dục thế hệ trẻ. Cái thời ấy cả lớp tham gia thể dục thể thao, cả lớp dạy bình dân học vụ, cả lớp lao động làm đường Thanh niên, đào hồ Bẩy Mẫu, lao động giúp nông dân… Sự giáo dục toàn diện để lại biết bao kỷ niệm đẹp, tạo nên một nền tảng vững chắc cho sự trưởng thành mai sau. Thậm chí nó ảnh hưởng tốt tới cả tư duy lúc tuổi già. Chúng ta không mấy ai giàu, nhưng tuyệt đại đa số sống thanh thản. Tôi và ông Đỗ Bảo nhiều khi ăn uống, tâm sự rất thoải mái, mặc dù ông có chút bệnh huyết áp. Có chút bệnh, nhưng gần đây ông vẫn giúp Hội gì đó, phải tư duy và phán những điều khác khá trìu tượng. Tuổi ngoài 70 làm điều này đâu có dễ. Thời được giáo dục toàn diện còn để lại cho ta những ký ức, những giấc mơ lạ lắm. Gần đây có tối tôi nằm mơ: Lúc tôi hấp hối, có một người đàn bà chăm sóc, mở mắt gần như lần cuối, tôi nhận ra đó là Nguyệt Ánh. Bỗng giật mình tỉnh giấc, tôi rất đỗi ngạc nhiên, sao mình nhiều phụ nữ đến vậy, mà đi đâu hết ấy nhỉ, đến nỗi lúc ta hấp hối lại chỉ có Nguyệt Ánh chăm sóc! Mà Nguyệt Ánh hiện yếu hơn ta, thế mới lạ. Ấy, một trong những giấc mơ tuổi già của con người được giáo dục toàn diện, nó phong phú đến vậy, hư hư thực thực, mấy ai lý giải được.

Trẻ - già – đi về cõi vĩnh hằng, đó là quy luật. Nhưng quy luật này diễn biến rất đáng yêu với tất cả các bạn tôi thời Quế Lâm – Nam Ninh – Chu Văn An 58 – 60. Nó đáng yêu đến nỗi làm sao tưởng tượng được khi tôi về cõi vĩnh hằng vẫn được vợ tôi – Lệ Tiến – đón, hôn hít, bế bồng mặc dù bà ấy đã 90 tuổi cõi âm.

Thứ Ba, 11 tháng 6, 2013

Chuyện của Ngọc Trâm - Tác phẩm chọn in sách

Tôi là Nguyễn Ngọc Trâm, sinh ngày 29/1/1941. Tôi được tập trung đi TQ từ hè năm 1953, theo đoàn Thanh Hóa.  Đoàn tôi có Minh Kim, Ngô Bè (Loan), Huyền, Dương Chí Trọng… Đến Việt Bắc đoàn sát nhập với đoàn Hà Nội, ở đó tôi chỉ còn nhớ có chị Bái.
Sang Lư Sơn tôi học lớp 4, và khi về Quế Lâm tôi cùng với Tiến Hoàn, Bích Ngân, Lệ Thủy… được nhấc lên lớp 5, lớp của chúng ta. Về nước tôi tiếp tục học ở Thanh Hóa, ở Chu Văn An, sang học ở Đại học Bắc Kinh; bị ốm về học tiếp ở Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Ra trường, tôi về công tác ở Viện Ngôn ngữ, Uỷ ban Khoa học Xã hội và làm việc liên tục ở đấy đến khi nghỉ hưu 12/2001. Những năm đầu ra công tác tôi đã gặp khó khăn lớn về sức khỏe, thậm chí suýt nữa bị cho về nghỉ theo chế độ mất sức. Nhưng rồi mọi chuyện khá hơn. Tôi đã cố gắng nhiều trong công việc. Và điều mà tôi hài lòng hơn cả trong những năm tháng đó là mình đã rất yêu nghề, đã hết lòng vì công việc và làm việc có hiệu quả. QuyểnTừ điển tiếng Việt của tập thể Phòng Từ điển chúng tôi được nhận Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2005.
Cũng như các bạn, tôi đã có những năm tháng rất đáng nhớ ở Quế Lâm. Hồi đó, tôi là tổ trưởng của tổ nữ bé, gồm Ngọc Trâm, Nguyệt Ánh, Nữ Hiếu, Lệ Tiến, Dục Tú, Yến Nga, Nguyệt Nga, Minh Kim, Thanh Bình. Chúng tôi nghịch ngợm chẳng kém gì các bạn nam. Đã từng có những trận quyết chiến với các bạn nam trong lớp (đứng đầu là Nguyên Hân), đuổi bắt nhau quanh sân vận động, vườn hoa trước cửa Hiệu bộ… Và kết thúc là thủ lĩnh Nguyệt Nga bị bắt trói, bị tra tấn dã man nhưng nhất quyết không khai. Chúng tôi kết luận: thế là chúng mình vẫn thắng. Làm những việc li kì, tình báo cũng là sở thích của chúng tôi. Vào ngày nghỉ, chúng tôi đã lên núi hái hoa rừng, trèo qua cửa sổ phòng anh Quý cắm vào lọ ở bàn. Cho đến bây giờ tôi vẫn không biết anh Quý có đoán ra “thủ phạm” là chúng tôi không, nhưng anh không nói gì, và chúng tôi lấy làm thích thú về “bí mật” đó. Còn nghịch ngợm như vậy nên bọn tôi ít quan tâm tới chuyện “ném thư”, “bỏ thư” trong lớp. Tuy nhiên không hiểu sao tôi được bạn tin nên đã từng chuyển thư, nhận thư hộ.

Ở Quế Lâm là những chuỗi ngày vui, nhưng tôi cũng gặp một chuyện buồn. Hôm đó Phương Dung lớp 4 (Dung và tôi đã cùng học ở Dục anh viện Thanh hóa) khoe mới nhận được thư bố mẹ, biết tin mẹ Trâm đã lấy chồng. Tôi choáng váng không tin. Nhưng mẹ Dung đã viết rõ ràng: “… mẹ đi họp có gặp mẹ và bố dượng của Trâm...” Tôi buồn khóc, tủi thân. Thế là mẹ đã quên cha, đã không còn yêu thương chị em tôi nữa…! Rồi chị Quế gặp tôi. Chị đã dỗ dành giải thích nhiều, chị bảo: “Khi lớn lên em sẽ hiểu mẹ, sẽ biết rằng mẹ bao giờ cũng yêu thương em.” Và đúng là như vậy. Sau này, khi trưởng thành, lúc đã nhiều tuổi, lúc vĩnh biệt mẹ, tôi càng thấm thía một điều: Trên đời này chỉ có mẹ là người yêu thương chị em tôi nhất, mẹ dành cho chúng tôi tất cả, chấp nhận và tha thứ cho chúng tôi tất cả.
Khi học xong lớp 7 chúng ta được về nước thăm gia đình. Trở lại sau đợt nghỉ, tất cả các bạn đều vui, chuyện trò ríu rít. Lệ Tiến cũng kể nhiều chuyện nhưng đặc biệt quan tâm tới tôi hơn. Dần dà bạn ấy kể, về nước lần này bạn mới biết cha đẻ thực của mình. Cha bạn là ông Bùi Hải Thiệu, và tên khai sinh của Tiến là Bùi Lý Lệ Lan. Cha mẹ Lệ Tiến lấy nhau khi hoạt động bên Trung Quốc, rồi ông mất bên đó. Sau này về nước bà xây dựng với ông Trần Lung, lúc đó Lệ Tiến mới 4 tuổi. Tiến lớn lên trong gia đình đầm ấm, chỉ biết bố Trần Lung, mẹ Lệ Minh và mình là Trần Lệ Tiến. Sau khi biết chuyện thực của gia đình mình, tình cảm của Tiến với mẹ, bố Lung và các em không hề thay đổi. Tiến yêu thương, trân trọng và tự hào về bố Lung, hiểu được những điều bố làm đều vì Tiến và chị Lệ Tân của Tiến. Chỉ có trong sâu thẳm, nỗi cô đơn mất cha đôi lúc trào lên, và chúng tôi lại động viên chia sẻ với nhau.

Một lần, khi tập trung họp đoàn viên khối 10 Chu Văn An, Tiến chỉ một bạn gái đứng xa xa và hỏi tôi: “Mày thấy đứa kia thế nào?” “Ồ, xinh quá!- tôi thốt lên. - Không, chính xác là dễ thương, tươi, dịu dàng, mà dáng lại dong dỏng nữa.” Tiến có vẻ bằng lòng: “Đó là Kim Oanh tao mới quen. Tao sẽ hẹn nó mai mình đến chơi nhé!” Nhà Oanh ở trong một ngõ nhỏ phố Thụy Khê. Một căn nhà bé, cũ, đồ đạc sơ sài. Chúng tôi vào chào bà, rồi rủ nhau ra trèo cây ổi, mặc Oanh đang léo nhéo nói gì trong bếp. Thấy tôi ngơ ngác về cảnh nhà, Tiến thì thầm kể: “Oanh ở đây với bà nội. Bố Oanh mất đã lâu, mẹ đi bước nữa, hiện đang ở trên phố. À, còn ông anh ruột của Oanh thì đã lấy vợ và ở chỗ khác. Ảnh các nhân vật này Oanh dán hết trên tường ấy.” Trời, tôi sửng sốt quá, sao lại có chuyện trùng hợp lạ lùng vậy! Không, không hẳn chỉ là sự trùng hợp, đây còn là “tác phẩm” của Tiến, Tiến đã gắn kết ba đứa với nhau bằng tình thương và sự nhạy cảm của mình. Chúng tôi đồng cảm với nhau và nhận nhau là ba chị em từ đó. Tính chị cả Oanh hiền lành, cởi mở, dễ thông cảm với mọi người. Chị cả dễ buồn khóc khi lâu không nhận được thư anh cả (Chu Hảo lớp 6), trách anh cả đi học xa biền biệt, nhưng chị không buồn ủ rũ mà vẫn sống hồn nhiên. Cô út Tiến là người có nhiều sáng kiến nhất cho mọi hoạt động chung. Cô quan tâm và có nhiều thông tin về các bạn khác, luôn nhiệt tình sôi nổi kiểu Quế Lâm. Còn tôi là cô hai, được chị và em khen học giỏi, hay được hỏi ý kiến khi có việc vướng mắc; nhưng với những việc thực tế trong xã hội tôi thấy mình vẫn “tồ tồ”, cũng kiểu Quế Lâm.
Sau khi Dương Nghiệp Chí đi học Trung Quốc về, Chí và Tiến vẫn chưa thể cưới nhau. Lệ Tiến làm việc ở Bộ Công an, được đào tạo và chuẩn bị cho công việc quan trọng và tuyệt mật, đòi hỏi về lí lịch người thân chặt chẽ hơn bình thường rất nhiều. Tiến rất buồn vì đã không dung hòa được công việc và gia đình; cuối cùng bạn ấy quyết định chuyển công tác từ Bộ Công an sang Bộ Lâm nghiệp. Họ cưới nhau năm 1967, sau gần 10 năm yêu nhau.
Ít lâu sau tôi cũng từ sơ tán về Hà Nội tổ chức cưới. Chồng tôi là anh Nguyễn Duy Quỳnh, công tác ở Phòng Tổ chức cán bộ Trường ĐH Tổng hợp. Thời chiến tranh, bạn bè người thân li tán cả, điều kiện vật chất thực khó khăn. Tôi đã cặm cụi thêu được đôi vỏ gối trắng, nhưng không tìm đâu mua nổi đôi ruột gối. Biết thế, hôm sau Tiến tháo hai cái ruột gối của mình mang đến: “Của bọn tao đấy…, dùng tạm mấy ngày chứ ai lại cưới xin mà bầy hầy quá!” Tôi xúc động, vừa thương bạn vừa thương mình. Thời xưa của chúng ta là như thế, sống đơn giản thoải mái, hết lòng vì bạn, chẳng có kiêng khem câu nệ gì.
Rồi nửa năm sau tôi phải về Hà Nội khám vì thai sản không bình thường. Biết Tiến vừa sinh cháu trai mà không đến thăm được, tôi phải nhập Viện ngay. Nằm ở Bệnh viện C, ngoài những nỗi đau cơ thể, còn phải chứng kiến bao nỗi đau đớn về tình cảm, về chuyện chồng con, về những bất công mà nhiều phụ nữ nông thôn còn đang phải gánh chịu. Nguyễn Du quả đã rộng lòng biết bao khi ông than hộ chúng tôi: Đau đớn thay phận đàn bà!
NửaVào một đêm khuya lắm, tôi tỉnh dậy vì nghe tiếng ồn ào trong phòng bệnh. Mấy y tá đang đẩy cáng lướt qua giường tôi. Tiếp đó là những tiếng trao đổi nhỏ: Bệnh nhân Lan… sốt cao…, sau đẻ một tuần… Tiếng nói nhỏ dần, và người ta lại đẩy cáng ra khỏi phòng. Thế rồi tôi tỉnh hẳn. Chả lẽ nào lại thế, …cũng đẻ được một tuần, …còn tên Lan nữa chứ. Không, chắc không phải, Tiến vẫn dùng tên Trần Lệ Tiến cơ mà, còn thiếu gì người đẻ được một tuần! Tôi cố phản bác lại, nhưng linh tính vẫn mạnh hơn, rồi tôi thức đến sáng. Hỏi biết bệnh nhân đêm qua nằm ở phòng cấp cứu, tôi tìm sang. Và tên ghi ở đầu giường rõ rành rành: Bùi Lý Lệ Lan; điều tôi không mong đã tới. Đánh thức Tiến dậy, chúng tôi trò chuyện với nhau. Tiến nói nhiều về thằng bé, chỉ lo sốt thế này mất sữa cho bé bú, lo mọi người chê không biết nuôi con. Tiến còn khoe, khi đưa vợ vào đây Chí lo lắng ủ rũ lắm, Tiến đã phải động viên: “Dương Chí, dũng cảm lên!...” Tiến ngáp nhiều, nhưng cố vươn người nhìn xung quanh, cười: “Tao phải nằm phòng bệnh nặng thế này… khéo không ngoẻo mày ạ!” Tôi biết tính Tiến hay đùa nhưng vẫn gạt đi: “Vớ vẩn, chỉ sốt thôi mà. Mày có mệt không, có đói không?” “Tao chỉ buồn ngủ!” Tiến nói xong mắt đã díp lại. Tôi để bạn ngủ và hứa tí nữa lại sang. Khoảng hơn 10 giờ Oanh tới nháy tôi ra (Oanh làm việc ở Bệnh viện Việt Đức ngay cạnh), tôi chỉ chỗ Tiến cho Oanh và trở về phòng khám.  Nửa tiếng sau Oanh hốt hoảng quay lại, nước mắt lưng tròng: “Trâm ơi, tao gọi mãi mà Tiến không dậy. Bác sĩ đã biết, họ đang cấp cứu.” Chúng tôi lại chạy sang, Tiến vẫn không tỉnh. Bác sĩ, y tá đứng đầy phòng. Sau đó Dương Chí, rồi bác Trần Lung tới. Phòng bệnh được dọn để đưa nhiều loại máy móc vào. Bác sĩ ra vào rất đông, lúc thăm khám, lúc hội chẩn. Thời gian cứ nhích dần, và niềm hi vọng của mọi người cũng như tàn lụi dần. Nhìn những bóng áo blu trắng đi lại làm việc tôi đã trông chờ, tôi đặt niềm tin vào họ biết bao: hãy cứu bạn tôi, hãy nghĩ ra cách gì hiệu nghiệm đi! Nhưng phép mầu đã không xảy ra. Khoảng 8 giờ tối, máy móc ngừng chạy và được kéo đi, bác sĩ ra về dần, phòng bệnh trở nên vắng lặng, họ cũng đưa cả Tiến đi mất rồi. Sau khi gặp bác sĩ, bác Lung quay lại an ủi tôi: “Họ đã làm hết sức cháu ạ. Tiến bị nhiễm trùng máu sau khi sinh, nếu phát hiện sớm thì còn có cách. Nhưng trường hợp Tiến đã quá muộn, đã lên não rồi mới vào Viện… Bây giờ bác còn một việc rất khó là nói thế nào với bác gái và các em Tiến đang ở nơi sơ tán đây!”
Lệ Tiến ra đi ở tuổi 27, để lại đứa con thơ mới mấy ngày tuổi, để lại nỗi tiếc thương vô cùng tận cho tất cả chúng ta. Cũng như tôi, chắc nhiều bạn không quên được người bạn gái xinh xắn, nhanh nhẹn và rất chân tình. Với vẻ ngoài lém lỉnh, sôi nổi, hay hài hước, bên trong lại chứa đựng một trái tim vị tha, đôi khi mềm yếu nữa: Tiến rất thích chăm sóc, chiều chuộng người thân, sẵn sàng hi sinh để mang lại hạnh phúc, niềm vui cho người mình yêu quý.
Tạm dừng ở đây câu chuyện về người bạn của chúng ta, câu chuyện “hậu Quế Lâm”, nhưng lại dính líu nhiều với Quế Lâm.

Hiện chúng ta cùng đang đi trên đoạn sau của cuộc đời. Mỗi người trong chúng ta không phải đều hoàn hảo, trơn tru, cũng như cuộc đời có lúc trong lúc đục. Đến nay tôi đã thích nghi với cuộc sống của người hưu trí. Ở tuổi này, tôi chỉ còn ba điều quan tâm. Thứ nhất là công việc mà mình yêu thích. Đến bây giờ tôi vẫn được làm từ điển, được viết lách về những từ ngữ gặp được trong tiếng Việt, tất nhiên với cường độ và tốc độ khác trước. Thứ hai là cuộc sống và thành đạt của con trai tôi. Và thứ ba là các bạn Quế Lâm. Tôi có nhiều bạn quen biết từ nhiều môi trường sống khác, nhưng bạn Quế Lâm vẫn là nơi chia sẻ niềm vui nỗi buồn nhiều hơn cả. Có chuyện gì bận tâm, lo lắng, hay vui vẻ nữa là tôi tìm gọi ngay và “trút” cho Nguyệt Ánh, Thanh Bình hay Thanh Mai, Nữ Hiếu… , và lòng lại vơi đi, nhẹ nhàng. Mong sao lâu lâu lại gặp nhau, cùng hát và nhớ lại một thời đáng nhớ của chúng ta.

Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

10 nước hạnh phúc nhất thế giới

10 nước hạnh phúc nhất thế giới

Australia, Thụy Sĩ, Anh, Mỹ... được đánh giá là những quốc gia phát triển hạnh phúc nhất thế giới.Tuổi thọ cao, tỷ lệ việc làm nhiều, người dân hài lòng và cân bằng giữa cuộc sống với công việc,

Danh sách các nước công nghiệp hạnh phúc nhất thế giới do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đánh giá dựa trên các chỉ tiêu độ hài lòng, cân bằng công việc và cuộc sống, thu nhập và nhà ở. Kết quả trong năm thứ ba đánh giá được công bố hôm qua, trong đó Australia là nước hạnh phúc nhất thế giới, gần như miễn dịch với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, vẫn tăng trưởng trung bình 3,5% trong 20 năm trở lại đây.
Tỷ lệ việc làm của Australia cao, 73% những người trong độ tuổi từ 15-64 có việc làm, so với 66% của OECD. Thu nhập bình quân 28.884 USD/hộ, nhiều hơn mức trung bình của OECD là 23.047 USD, mặc dù người Australia làm việc ít hơn các nước khác 83 giờ/năm. Tuổi thọ trung bình của Australia cũng cao, 82 tuổi, hơn 2 tuổi so với mức chung và mức độ hài lòng của người dân là 84%, cao hơn trung bình của toàn cầu là 80%. Ảnh: AFP
Canada đứng thứ ba với 72% người lao động có việc làm, thu nhập bình quân 28.194 USD/hộ và người dân có ý thức cộng đồng mạnh mẽ. Tuy nhiên, ba quốc gia kể trên cũng có khoảng cách giàu nghèo khá cao, với 20% dân số có thu nhập cao nhất cả nước kiếm nhiều hơn 4-6 lần so với 20% dân số có thu nhập thấp nhất. Ảnh: Gocanada
Có tổng cộng 11 chỉ tiêu đánh giá trong đó có nhà ở, giáo dục, y tế, thu nhập và mức độ chung tay của cộng đồng. Na Uy là quốc gia có độ hạnh phúc thứ 4. Ảnh: Flickr
Số 5: Thụy Sĩ. Ảnh: Wallcoo
Số 6: Mỹ. Ảnh: AFP
Số 7: Đan Mạch. Ảnh: AFP
Số 8: Hà Lan. Ảnh: AFP
Số 9: Iceland. Ảnh: AFP
Số 10: Anh. Ảnh: Reuters
Vũ Hà

152 người

Những mẩu chuyện rất ngắn, rất hay

Quà sinh nhật
Trong năm đứa con của má, chị nghèo nhất. Chồng mất sớm, con đang tuổi ăn học. Gần tới lễ mừng thọ 70 tuổi của má, cả nhà họp bàn xem nên chọn nhà hàng nào, bao nhiêu bàn, mời bao nhiêu người. Chị lặng lẽ đến bên má: "Má ơi, má thèm gì, để con nấu má ăn?" Chưa tan tiệc, Má xin phép về sớm vì mệt. Ai cũng chặc lưỡi: "Sao má chẳng ăn gì?" Về nhà, mọi người tìm má. Dưới bếp, má đang ăn cơm với tô canh chua lá me và dĩa cá bống kho tiêu chị mang đến... (ST)

Sầu Riêng
- Mẹ, sầu riêng rộ. Mẹ mua cho Nội một trái đi Mẹ. Nội nói cả chục năm rồi Nội chưa ăn múi nào hết. - Bên đây sầu riêng mắc như vàng, của đâu mà cho Nội mày ăn cho đủ. Tao hầu Ba mày mệt rồi, thêm Nội mày nữa có nước đem chôn tao sớm. Thằng Tí như bị hụt hẫng trước câu trả lời của Mẹ nó. ... Mùa sầu riêng năm sau, Nội nó mất. hôm giỗ đầu, Mẹ nó mua một trái sầu riêng thật to để trên bàn thờ. Mẹ nó nói với mọi người: - Má chồng tôi hảo sầu riêng lắm. Mắc cách mấy tôi cũng ráng mua để cúng Má tôi. Mọi người khen Mẹ nó là dâu thảo. Chỉ có thằng Tí biết. Nó lặng lẽ đến cạnh bàn thờ thì thầm: - Xin Nội tha lỗi cho Mẹ con.


BÔNG ĐIÊN ĐIỂN
Xưa, em sống ở quê. Mùa lũ, em ngâm mình mò củ ấu, hái bông điên điển . Tuổi mười lăm ngai ngái mùi bùn.
Em tìm về thành phố. Học đi, học nhảy, học liếc mắt cười tình. Tuổi thiếu nữ đôi mươi vành vạnh, thơm phức và kiêu hãnh.
Một bữa, em chạy ra từ trong khách sạn. Chiếc giày cao gót lật quai lăn tõm xuống cống đen ngòm để lộ đôi chân phèn tứa máu. Em khóc tức tưởi. Nước mắt ân hận làm trôi những thứ bôi trét giả tạo. Khuôn mặt lộ dần những nét quê xưa.
Em chợt nhớ những cánh hoa điên điển sắp tàn còn kịp ửng vàng trước lúc hoàng hôn.
Nguyễn San

EM TÔI
Bám đất Sài Gòn sau 3 năm ra trường, tôi vẫn không xin được việc. Đôi cua dạy kèm, khi chẳng đủ trang trãi lại phải nhờ nguồn “trợ cấp”ở quê. Vừa rồi, đau ruột thừa, nằm viện. Mẹ vượt ngàn cây số vào thăm. Ngày về, dúi vào tay tôi chỉ vàng, bảo: “Của cái Lan, nó dặn con dùng để hồi sức, viện phí và tiền gởi vào cho con trước đây cũng một tay nó cả. Tội nghiệp! Dạy thêm tít mù, còn nuôi thêm cả lợn”.
…Nhớ ngày Lan trượt đại học, thư về tôi mắng chẳng tiếc lời…
Cầm món quà của em, tôi chỉ còn biết nuốt nước mắt vào trong. 


Ngày xưa- Huỳnh Văn Dân -
Thuở nhỏ, nhà tôi nghèo lắm. Mỗi chiều, anh em tôi thường tụ lại bên nồi cơm độn khoai sắn, ríu rít như đàn chim về tổ. Thiếu thốn nhưng chúng tôi nhường nhau phần thức ăn ngon nhất, mẹ tôi rất vui lòng.
Khi chúng tôi khôn lớn, có gia đình riêng, ai cũng khá giả. Hôm giỗ ba, có mặt đông đủ, anh Hai tôi phàn nàn với mẹ cây xoài của anh Ba mọc chồm qua sân nhà anh. Chị Ba trách anh Tư đào ao lấn qua phần đất của chị hai tấc. Mẹ tôi trầm ngâm: "Mẹ ước gì được trở lại thời nghèo khó ngày xưa."

Ca dao thương mẹ- Trung Dung -

Ba bị tai nạn mất khi mẹ chưa bước vào tuổi bốn mươi. Mẹ ở vậy nuôi con.
Con lêu lổng chơi bời, mẹ khóc.
Con ngoan, học giỏi... Mẹ cũng khóc khi đốt nhang cho ba.
Hồi đó, con đâu hiểu sao ít thấy mẹ cười.
Lớn lên, nghe câu hát "... Mẹ đi lấy chồng con ở với ai..." Con lại khóc vì thương mẹ.

 

Tính Cách

Mẹ tôi buôn bán, chai lỳ trước cái cân cơm áo nhưng mẫn cảm trong nghệ thuật. Những nước mắt tình buồn phim ảnh, những sụt sùi số phận cải lương, bà đều hồn nhiên "ăn theo" một cách ngon lành. Có lần, cha tôi giỡn:
- Coi chừng trôi ti vi....
- Còn sách ông chưa viết ra đã hóa đá - Mẹ tôi trả miếng - Thế cũng mang danh nhà này, nhà nọ.
Một hôm, đang bữa ăn, bỗng nhiên mẹ tôi chạy vụt ra đường chận đường con bé bán trứng vịt lộn.
- Mày biến đâu tài thế. Hì! có chui xuống đất rồi cũng gặp tao - Bà vừa nói vừa giằng mủng trứng, đếm lấy trừ nợ.
- Dì ơi, cho con khất, mẹ con còn ốm!
- Nhà này cũng đang ốm đây - Mẹ tôi cười bù - Khỏi bẻm mép.
Con bé chưng hửng, lã chã nước mắt nhìn cải mủng không, rồi bưng l

lên, xiêu vẹo bước đi....
Cha tôi cám cảnh, quay mặt, rút mùi soa chấm mắt.
Lâu sau, ti vi phát vở kịch "Cô bé nghèo bán trứng bị xiết nợ". Lúc ấy, mẹ tôi lại khóc, còn cha tôi thì cười. 

(tác giả Nguyễn Thị Hoài Thanh)