Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

CHƯA THẤY AI THẬT THÀ ĐẾN VẬY


(Dương Nghiệp Chí)
Bạn Hoàng Thế Long mấy lần thúc dục tôi:
- Tớ nghe nói hồi nhỏ cậu nghịch ngợm, “ba gai” lắm phải không? Cái hồi cậu ở Nam Ninh mà mãi tới đầu lớp 8 chúng mình mới chuyển từ Quế Lâm về đấy ấy mà! Cậu viết lại thời ấy đi, ôn lại những kỷ niệm vui thôi mà, còn ai chẳng biết chúng mình đã trưởng thành ra sao. Đúng Không?
- Ừ thôi được, để sau này mình viết – Tôi trả lời.
Nhớ lại, khoảng năm 1959, tôi kể chuyện “ba gai” thời nhỏ cho Lệ Tiến nghe. Bà ấy cười rũ: “Đúng là “ba gai” thật và cũng rất thật thà”. Gần đây bạn Ngọc Trâm gợi ý, tôi kể lại vài chuyện, cũng cười khanh khách. Chắc đây là thời điểm thích hợp để tôi thực hiện lời hứa với bạn Hoàng Thế Long: “vui thôi mà”!
 


Đó là cuối năm 1952, khi tôi 11 tuổi. Quế Lâm thời ấy đẹp mộc mạc, nguyên sơ. Chúng tôi, được tạm gọi là “những đại đội thiếu sinh quân” đầu tiên, đặt chân tạm bợ tới học tập, tập luyện ở Quế Lâm. Vào một buổi chiều, anh Tuấn và anh Cường, hơn tôi 3-4 tuổi tuy cùng lớp, rủ tôi vào một cái hang còn nhiều chiến tích cũ để lại.
- Cậu thích bắn súng không? Anh Tuấn hỏi.
- Có chứ! Tôi vội đáp
Anh Tuấn móc trong hốc ra một khẩu súng lục “pạc-khoọc” rõ to, nạp đạn:
- Đây, bắn đi đừng sợ, nhưng phải nắm chắc bằng hai tay, khéo bị giật ngã đấy!
Tôi làm theo lời anh Tuấn, “đoàng”, một tiếng nổ xé trời, súng rơi xuống đất. Từ đó, cả ba hợp nhau, anh Tuấn là sếp lớn.
Cả ba đều có “sáng kiến” nghịch ngợm, hiếu kỳ tới số. Rồi cả trường chuyển về khu học xá Nam Ninh. Chúng tôi cùng học phổ thông. Cuối lớp 5 cạn cái để nghịch. Cả 3 rủ nhau “đột kích” mọi chốn gọi là hiểm hóc. Tôi bé nhất nhưng nhanh nhẹn nhất, được sai khiến đột nhập mở màn. Nơi làm banh bao và cất giữ để sáng sớm phát cho cả trường ăn, được coi chốt đóng then cài, khó ai đột nhập. Cứ 12 giờ đêm tôi được giao phải vào được phía trong khuân vài chục cái bánh bao ra, còn hai anh kia đứng ngoài canh. Tường cao, cửa ra vào, các cửa sổ khóa chặt, nhưng lần nào cũng khuân được. Thế rồi nhà Hiệu bộ cao ba tầng, nhiệm vụ “bất khả thi” của tôi là leo tường vào thám thính phòng làm việc của ông Hiệu phó Dân ở mãi tầng ba. Leo tường, mở khóa phòng, tôi xuống báo cáo sếp lớn: “Chẳng thấy gì. Trên bàn có một quả táo, ít kẹo. Thế thôi!”.
- Cậu dốt quá, leo lên vất vả thế mà không đem quả táo, ít kẹo xuống đây liên hoan – sếp lệnh leo lại.
Ít phút sau, liên hoan xong “bữa đêm” rồi về. Cứ thế thỏa mãn nhu cầu hiếu kỳ, nghịch ngợm rất nhiều lần và tương tự, loạn cả khối học sinh phổ thông, nhà trường điều tra, ngăn chặn không nổi.
Lần cuối, tôi hành sự một mình. Buổi trưa nắng chang chang, tôi đang nằm ngủ ở ghế đá ven hồ, thoạt nhìn thấy hơn một chục công nhân Trung Quốc cởi áo khoác nghỉ trưa cách tôi khoảng vài chục mét. Máu “thám tử” nổi lên, tôi lần mò tới nắn các túi áo khoác treo trên cành cây. Tiếng ngáy đều đều, công nhân vẫn yên giấc. Tôi móc túi áo lấy tiền, về nằm chỗ cũ quan sát, cũng chẳng thèm đếm tiền. Cứ thế quan sát 3-4 giờ liền, cho tới khi công nhân tan ca. Bỗng một trong số họ khóc rống lên, móc mãi túi cho mọi người xem. “Chắc là ông bị móc túi mất tiền” – tôi đoán. Bỗng tôi thấy vô cùng ân hận, chợt nghĩ: cái nghịch ngợm hiếu kỳ của mình chính lại là làm hại người, vô nhân đạo. Ông ấy lao động, rồi lấy tiền đâu mà sống, mà nuôi gia đình! Rơm rớm nước mắt, tôi chạy theo trả tiền cho ông ta. Cả đám công nhân sững sờ, ông ấy vừa khóc vừa cười, nói gì đó có vẻ rất xúc động. Tôi vụt chạy. Không ngờ đó chính là tôi sẽ chạy khỏi sự hư hỏng mang bản chất nghịch ngợm thưở nhỏ tuổi.
Sau một tuần lặng người, suy nghĩ, thổn thức. Tôi hẹn gặp anh Tuấn và anh Cường. Ánh trăng tỏa sáng mặt hồ như muốn đưa con người trở lại đúng với bản chất.
- Tôi muốn nói với hai anh một việc rất quan trọng – Tôi lên tiếng.
- Nói đi, hôm nay có gì mà nghiêm trọng thế - Anh Tuấn nói, nhìn sang tôi rồi sang anh Cường.
- Tôi quyết định tự giác mọi lỗi lầm của chúng mình qua thầy Truyền (giáo viên chủ nhiệm), nhưng muốn cả ba cùng đi tự nhận lỗi, các anh nên như vậy. Tôi không muốn đi một mình, muốn nói thật với các anh.
Trăng lẩn khuất vào đám mây, trời tối sầm hẳn. Khoảng nửa giờ, không một tiếng động.
- Cường, cậu thấy thế nào? Anh Tuấn nói giọng khàn hẳn.
- Tôi theo ý anh – Anh Cường nói thản nhiên.
- Thôi được. Chúng tao tha cho mày, gọi mày tao cho thân mật thôi! Cả đời, tao chưa thấy ai thật thà đến vậy! Thật thà không giấu chúng tao, cũng không lo sợ chúng tao đập chết mày. Mày có chí khí đấy. Dừng giây lát anh Tuấn nói tiếp:
- Mày muốn đi tự giác thì cứ đi, đã nói thì nói thật tất cả, chúng tao chẳng sợ gì đâu. Còn chúng tao chắc chắn không tự giác. Chúng tao lâu nay ngán ngẩm học ở đây rồi, chỉ muốn về nước tham gia kháng chiến, hoặc ít ra cũng sống tự lập, giúp đỡ gia đình. Thằng Cường thấy thế nào cứ nói.
- Tao hoàn toàn tán thành ý kiến thằng Tuấn – chúng tao về nước. Rồi anh Cường nhìn sang tôi hất đầu nói tiếp:
- Còn mày, tao khuyên mày nên ở lại học nốt vì còn nhỏ tuổi. Chúng tao chưa từng coi mày là con người hư hỏng, vô tích sự. Tao tin mày có tương lai tốt. Tao không nói đùa đâu! Tao và thằng Tuấn thường khen mày, nhưng không để mày biết thôi.
Ngay sáng hôm sau, tôi đi tự giác và nằng nặc xin thầy Truyền để cả ba viết kiểm điểm. Nếu hai anh kia suy nghĩ lại, cùng tự giác, xin nhà trường cho hai anh ấy tiếp tục học. Thầy Truyền đồng ý. Buổi chiều, một phòng học vắng tanh, ba người ngồi ba góc. Tôi cắm cúi viết. Hai anh Tuấn, Cường ngồi lặng lẽ không viết một chữ. Đó là ngày 12 tháng 5 năm 1956,  chúng tôi chia tay, tôi tiếp tục học lớp 6, không bị kỉ luật.
Khoảng 10 năm sau, anh Cường tìm đến thăm nhà tôi ở 19 Thụy Khuê. Khi ấy cuộc sống của ai cũng khó khăn, nhưng vẫn giữ được tình xưa nghĩa cũ. Sau này tôi mới nghe nói anh Tuấn làm ăn buôn bán gì đó, cuộc sống không đến nỗi tồi.

Tới tuổi già, nếu các bạn vào “google” tìm “Dương Nghiệp Chí” (bài “Cả cuộc đời gắn bó với thể thao”), tác giả HKT viết rất đúng: “Khi còn rất trẻ, một nửa của ông đã đi vào cõi vĩnh hằng”. Tôi buộc phải dốc toàn lực để vươn lên trong cuộc sống. Và khi con tôi khôn lớn, tôi chỉ dặn bảo một điều: “Không phải cái gì cũng nói, nhưng đã nói thì nói thật, không nói dối; không phải cái gì cũng làm, nhưng đã làm thì làm thật, đừng làm giả dối”. Một triết lý được in hằn trong tôi ngay từ năm 15 tuổi, qua mẩu chuyện kể trên.

5 nhận xét:

  1. Bài này viết rất hay và rất chân thật. Bây giờ mới biết là có những bạn có cuộc sống rất ly kỳ khác biệt. Cuộc sống muôn hình muôn vẻ thế mới hay. Mình thấy nên đề nghị Đăng Trâm ạ.

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn Nghiệp Chí đã ghi lại mẩu chuyện nhỏ nhiều ý nghĩa giáo dục này !

    Trả lờiXóa
  3. Đây là chuyện thật do chính anh Dương Nghiệp Chí kể về tuổi thơ "ba gai" của mình. Năm cấp III anh Chí học cùng lớp cuối cấp toàn dân Quế Lâm. Hồi đó các anh chị học hành, lao động xã hội, dạy bình dân rất tích cực...Anh Chí được vào đoàn và mọi việc bỏ xa thời ba gai xưa.

    Trả lờiXóa

tramngoc4x@gmail.com