Dương Nghiệp Chí
Đúng là dòng sông nào cũng không ngừng chảy, còn những kỷ niệm cứ ứ đọng lại như được bao quanh bởi bốn bức tường thép, ngày càng đầy ắp. Thường thì những kỷ niệm thời càng trẻ, càng nằm sâu phía dưới, nhưng ở tôi lại khác. Những kỷ niệm thời trẻ cứ trỗi lên trên. Nó trỗi lên trong đôi khi rảnh rỗi. Nó trỗi lên cả trong những giấc mơ. Người ta bảo loại người như tôi, về già lại hay sống nặng với quá khứ. Thật vậy, cái quá khứ đầy ắp những kỷ niệm, chỉ có thể điểm qua vài nét.
Ở tuổi ngoài bảy mươi, tôi vẫn say đi họp
lớp Quế Lâm – Nam Ninh, say gặp lại các bạn học cùng
thời Chu Văn An, 8G, 9G, 10H gì đó từ những năm 1958-1960.
Tôi say hơn cả họp chi bộ, cho dù đã 46 tuổi Đảng.
Bao nhiêu năm qua gặp gỡ, làm việc với hàng vạn người,
vẫn không tìm thấy người bạn nào làm tôi say như những
bạn tôi thời ấy.
Tôi say vì thời ấy thơ mộng. Cái thơ mộng
mới dám đi tới tận cùng cuộc sống. Có lần tôi được
“lệnh” của Lệ Tiến, dù bận mấy cũng phải đi xe
đạp, phải “lội sông” về nhà ông Q để thẩm tra
gia đình người yêu của Ngọc Trâm ở tận vùng quê Thái
Bình. Về tôi báo cáo: “Gia đình nông dân thật thà,
hình như còn có mỗi con gà cũng thịt cho anh ăn; Cản mãi
không được!”. Gần đây ngồi ăn với ông Hữu Lý, ông
bùi ngùi nhắc tới bạn cũ: “Này, cũng tội cho Thế Kỷ
- ông còn nhớ nó chứ - đời bác sĩ cứ long đong mãi”.
Đấy! nó thơ mộng đến nỗi cuộc sống về già cả
rồi, vẫn coi chức vụ không mấy quan trọng, mà sự khổ
đau hay vui sướng của bè bạn mới đáng được ngậm
ngùi.
Tôi say vì thời ấy quá vô tư, quá chân thật.
Mà có lẽ, đây chính là cái nền trong cuộc sống của
chúng ta mãi tới khi về già. Tôi nhiều lần gặp vợ
chồng ông Quốc Khải từ Sài Gòn ra chơi. Có lần ông
Khải than phiền: “Không biết cậu H của chúng mình có
bị gì không mà báo chí cứ đăng tùm lum về cái tội
dính dáng đến “Chính phủ điện tử” gì đó, tôi
hơi lo cho H, nhưng chẳng tin”. Tôi hùa theo: “Tôi cũng
chẳng tin, chúng mình lạ gì tính cậu H từ nhỏ, chắc
bị dại dột vào tròng thôi, thế mạng cho kẻ khác ấy
mà, chẳng sao đâu!”. Đấy cái nền của cuộc sống vô
tư, cuộc sống chân thật , gần như bản chất sinh học
tâm thể, làm sao lại có thể trưởng thành mang theo yếu
tố tội phạm! Hiếm lắm, nếu không nói là không thể.
Một niềm tin gần như tuyệt đối về cái chân thật, vô
tư của những người bạn tôi.
Tôi say vì thời ấy được giáo dục toàn
diện, khác hẳn thời nay. Cái thời được giáo dục tri
thức, kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp… thể dục thể
thao và lao động là những phương tiện rất quan trọng
mà các nhà xã hội học Mỹ đánh giá rất cao đối với
giáo dục thế hệ trẻ. Cái thời ấy cả lớp tham gia
thể dục thể thao, cả lớp dạy bình dân học vụ, cả
lớp lao động làm đường Thanh niên, đào hồ Bẩy Mẫu,
lao động giúp nông dân… Sự giáo dục toàn diện để
lại biết bao kỷ niệm đẹp, tạo nên một nền tảng
vững chắc cho sự trưởng thành mai sau. Thậm chí nó ảnh
hưởng tốt tới cả tư duy lúc tuổi già. Chúng ta không
mấy ai giàu, nhưng tuyệt đại đa số sống thanh thản.
Tôi và ông Đỗ Bảo nhiều khi ăn uống, tâm sự rất
thoải mái, mặc dù ông có chút bệnh huyết áp. Có chút
bệnh, nhưng gần đây ông vẫn giúp Hội gì đó, phải tư
duy và phán những điều khác khá trìu tượng. Tuổi ngoài
70 làm điều này đâu có dễ. Thời được giáo dục toàn
diện còn để lại cho ta những ký ức, những giấc mơ
lạ lắm. Gần đây có tối tôi nằm mơ: Lúc tôi hấp
hối, có một người đàn bà chăm sóc, mở mắt gần như
lần cuối, tôi nhận ra đó là Nguyệt Ánh. Bỗng giật
mình tỉnh giấc, tôi rất đỗi ngạc nhiên, sao mình nhiều
phụ nữ đến vậy, mà đi đâu hết ấy nhỉ, đến nỗi
lúc ta hấp hối lại chỉ có Nguyệt Ánh chăm sóc! Mà
Nguyệt Ánh hiện yếu hơn ta, thế mới lạ. Ấy, một
trong những giấc mơ tuổi già của con người được giáo
dục toàn diện, nó phong phú đến vậy, hư hư thực thực,
mấy ai lý giải được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
tramngoc4x@gmail.com