Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2013

NHỚ VỀ CHA MẸ









      Cha tôi mất năm 1952, khi tôi mới 11 tuổi, em tôi 9 tuổi. Tuy còn ít tuổi nhưng tôi vẫn nhớ được một số điều về cha mẹ.

      Lúc tôi 4, 5 tuổi, một hôm từ ban công nhìn xuống tôi thấy phố Bạch Mai có nhiều xe, nhiều cờ diễu qua, không khí thật rộn rịp… Đến trưa cha tôi bảo hai chị em ăn mặc đẹp, đi giầy để ông đưa lên Bắc Bộ Phủ chơi (Bắc Bộ phủ ngôi nhà hai tầng ở 12 Ngô Quyền, Hà Nội. Đã từng là nơi đặt trụ sở chính quyền Bắc kỳ). Đường Hà Nội lúc này rộng thênh thang, sạch đẹp, cờ hoa, người đi lại thật náo nức. Chị em chúng tôi vô cùng sung sướng vui vẻ, lúc đi, lúc chạy làm cha tôi cứ phải nắm chặt tay hai đứa... Nhưng rồi thời gian rộn rã đó không lâu, nhiều người HN đã dần dần đi tản cư.
     
      Mẹ tôi cho tôi biết, Bác Đặng Thái Mai, chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Thanh Hóa lúc bấy giờ điện ra mời các văn nghệ sĩ vào Khu Bốn để thành lập Trại văn hóa kháng chiến. Gia đình tôi cùng gia đình các bác văn nghệ sĩ đi thuyền dọc sông đến Thanh Hóa, rồi đi bộ tiếp vào Làng Quần Tín, huyện Thọ Xuân. Thời gian không lâu, cha tôi vào bộ đội, làm Trưởng ban văn nghệ Liên khu 4, đồng thời tham gia giảng dạy Lớp văn hóa kháng chiến, nơi đã đào tạo nhiều cây bút trẻ trưởng thành. Lúc đó mẹ tôi cũng như nhiều bác gái phải lo đời sống gia đình, bà phải nhận nhiều việc như quay sợi, đan lát, gánh hàng khô ra chợ bán…, nhưng cha tôi vẫn tìm cách để bà được tham gia dự thính lớp Văn hóa kháng chiến khóa III. Mẹ tôi đã từng viết: “Giai đoạn này vật chất thiếu thốn nhưng gia đình chúng tôi rất hạnh phúc”. Bà còn ghi lại một câu trong nhật kí của cha tôi: “Cách mạng và kháng chiến đã đem đến cho chúng ta cuộc sống mới, nhờ đó tình vợ chồng càng thắm thiết hơn.”

      Mẹ tôi kể, một hôm ông Tố Hữu vào khu 4 thăm Trại văn hóa kháng chiến. Khi rẽ vào nhà tôi, biết tình hình, ông khuyên mẹ tôi nên tham gia công tác xã hội, công tác vận động phụ nữ. Nghe lời khuyên đó, cha tôi tìm được dịp để mẹ tham gia vào Hội liên hiệp phụ nữ khu 4, rồi Hội phụ nữ Thanh Hóa. Khi đi công tác xa mẹ gửi chị em tôi cho bà chủ nhà, mẹ nấu sẵn thức ăn vài ngày, còn cơm tôi tự nấu. Nhưng rồi những chuyến đi công tác của bà ngày càng dài hơn, xa hơn. Gửi con ở nhà bà chủ lâu thì không tiện, không ổn, mà mang các con theo thì nay đây mai đó, việc học hành của chúng không ổn định. Cuối cùng, Hội phụ nữ xin cho các con tôi vào Dục anh viện, trại nuôi con em bộ đội, thương binh, liệt sĩ của Tỉnh. Nghe được tin này cha tôi rất mừng, ông rất muốn cho mẹ có điều kiện làm việc, tiến bộ. Rồi mẹ tôi thỉnh thoảng ghé vào Trại thăm, thấy con cái sống khổ quá: đứa thì ghẻ lở khắp người, đứa bị chó cắn, đứa đái dầm bị phạt ăn cơm nhạt (không có thức ăn) cho chừa đi… Bà xót con quá định đón chị em tôi về. Nhưng cha tôi rất kiên quyết: “Cả nước đang kháng chiến, con cái mình cũng phải chịu đựng như bao đứa trẻ khác thôi em ạ! Anh tin là chúng sẽ quen, sẽ trưởng thành, sẽ tự lực dần lên…”

       Thế rồi Tết năm 1952 cha tôi về, ông bảo, đây là cái Tết thứ 6 xa Hà Nội. Nhưng ông và cả gia đình đã không ngờ đây là cái Tết hạnh phúc, ấm cúng cuối cùng của gia đình tôi. Sau Tết hai tháng, thì mẹ tôi nhận được tin cha tôi ốm nặng, đã mê man bất tỉnh. Mẹ tôi giấu các con một mình đi suốt đêm đến huyện Thạch Thành, Thanh Hóa, gần nơi Cơ quan cha tôi đóng. Nhưng khi mẹ đến nơi thì cha tôi đã mất từ 8 giờ sáng ngày hôm trước. Đau đớn đến cùng cực, mẹ tôi dường như không biết gì, không nhớ gì nữa… Đi đâu, làm gì đều có một chị ở cơ quan dìu đi, động viên và an ủi. Rồi dần dà chị hỏi thăm tình hình sức khỏe, công việc và các cháu ở nhà… Nghe nhắc tới các con, mẹ bừng tỉnh hẳn. Lo lắng về các con quá, bà vội vã ra thăm mộ ông, chào ông lần cuối, rồi khoác ba lô của ông đi một mạch về Trại Dục anh.

       Sau hòa bình ít lâu mẹ tôi chuyển công tác từ Thanh Hóa ra Hà Nội. Ngoài công việc cơ quan, mẹ tôi còn đặt cho mình nhiệm vụ sưu tầm, tìm tòi, thu lượm… tác phẩm, sách báo của cha tôi mà cuộc kháng chiến 9 năm đã bị thất lạc. Nhưng tìm ở các hiệu sách không có, hỏi thăm các nhà văn có tiếng là nhiều sách như bác Đào Duy Anh, bác Vũ Ngọc Phan… thì chính các bác cũng đang phải tìm kiếm từng tác phẩm của mình. Mẹ tôi rất buồn nhưng vẫn cố kiên trì,. Bà đã thường xuyên đi Thư viện quốc gia để tìm tòi, lục lọi sách.  Thấy nhiều lần như vậy, chị thủ thư thông cảm, xuống dưới hầm thư viện và tìm được cuốn “Ngoại ô”. Bà sung sướng quá, mang sách đến Nhà xuất bản Văn học và được nhận in. Rồi cuốn “Ngõ hẻm” tìm ra sau này cũng được tổ Văn học trong Nam in. Tiếp đó bà lại thu lượm những bài báo, phóng sự của ông và in thành tập “Tác phẩm chọn lọc.” 

      Sau này, khi nhắc đến cha, mẹ tôi thường giảng giải cho chị em tôi: “Mẹ trưởng thành và tiến bộ như ngày nay là do cha cảm thông, giúp đỡ và tạo điều kiện để mẹ được giải phóng khỏi công việc gia đình, con cái.” Quả là như vậy, mẹ tôi đã sớm được thu xếp gia đình để tham gia việc xã hội, và đã trưởng thành có những đóng góp hữu ích cho công việc chung.

       Mặc dù lúc tuổi thơ đã phải thiếu vắng người cha yêu quý, nhưng hình ảnh một gia đình hạnh phúc, đầm ấm, đầy tình yêu thương luôn in sâu trong tâm khảm chúng tôi. Và chị em  tôi luôn cố gắng xứng đáng với cha mẹ mình./.

10 nhận xét:

  1. EM đã được đọc bài viết về cha chị trên LS_QL, nay đọc bài này của chị thật cảm động...Chị có người cha tài ba và một tình yêu lớn. Hiếm có gia đình nhà văn lớn lại hạnh phúc như vậy. Thật đáng tự hào và ngưỡng mộ chị ạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn ST đã đọc và đã hiển hơn về cha chị. Chị định mời em đến dự, rồi lại lưỡng lự, sợ em bận.

      Xóa
  2. Một lần nữa đọc chuyện gia đình của Ngọc Trâm vẫn thấy tràn đầy xúc động . Chiến tranh ! Gia đình nào cũng mất mát . Mất mát lớn nhất của những đứa trẻ như chúng ta là không được sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ . Có lẽ vì thế mà chúng ta thân thiết yêu thương nhau như anh chị em một nhà ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn đã đọc và là người đầu tiên giới thiệu "Lễ Kỉ niệm 100 ngày sinh nhà văn Nguyễn Đình Lạp" trên blog lư sơn.que lam. Đúng là dân Quế Lâm chúng ta sớm hiểu về nhau và thân thiết nhau như anh chị em một nhà.

      Xóa
  3. Hơn ai hết, tầng lớp trí thức VN của những năm 30, 40 của thế kỷ 20 là những người yêu nước nồng nàn, thấu hiểu nỗi nhục của kiếp dân nô lệ, do đó đã sớm giác ngộ CM, đã tiến hành cuộc vận động CM, đã là những người lãnh đạo và nòng cốt của CMT8 và công cuộc KCCP, họ đã tự giác từ bỏ cuộc sống an nhàn sung túc ở các thành phố và một số từ bỏ cả Paris hoa lệ để đi theo kháng chiến, trong đó có nhà văn Nguyễn Đình Lạp và gia đình của ông, có hàng trăm hàng ngàn cha chú và các gia đình chúng ta ( nhất là những gia đình bạn bè QL ). Trong đó cũng bao gồm tất cả các vị lãnh tụ cao nhất của CMT8 và KCCP.
    Gần đây đã có những người nêu ý kiến rằng CMT8 không phải là một cuộc CM bạo động mà là là một cuộc diễn biến hòa bình? Ý kiến này thật đáng suy nghĩ vì CMT8 ( ở cả 3 miền) không hề có các đội quân từ chiến khu tiến về, cũng hầu như không có đổ máu, lực lượng quân sự duy nhất lúc bấy giờ là đội Việt Nam TUYÊN TRUYỀN giải phóng quân, và lãnh đạo CM, lãnh đạo KC lúc bấy giờ gần như tất cả đều là trí thức trong đó có nhiều người xuất thân từ các gia đình quan lại phong kiến, thực dân.
    Tôi commen hơi dài và nói đến một điều hơi xa với entry của bạn Ngọc Trâm thật ra là để nói lên tấm lòng kính yêu và ngưỡng mộ sâu sắc với những người như nhà văn Nguyễn Đình Lạp – một thế hệ trí thức vàng, cũng là để nói lên lòng yêu thương mến mộ với một thế hệ gia đình ( mà nhiều người thường nói : gia đình TTS), đã tự giác và hồ hởi, tung tăng; đã hy sinh tất cả để đi theo CM, đi theo KC và đã để lại một dấu ấn đẹp về hình mẫu gia đình CM, một dấu ấn đẹp về tính lãng mạn CM – Một dấu ấn mà càng ngày càng khó tìm thấy trong xã hội VN ngày nay.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khi comment về nhà văn Nguyễn Đình Lạp bạn Công Kỳ đã nói rông ra về tầng lớp trí thức VN từ thời CMT8 và công cuộc KCCP. Bạn đã nói lên lòng kính yêu và ngưỡng mộ sâu sắc với những người như nhà văn Nguyễn Đình Lạp – một thế hệ trí thức vàng mà có thời người ta thường gọi là "gia đình TTS". Cảm ơn bạn đã nêu lên một vấn đề không nhỏ: đó là vai trò của người trí thức VN trong CM tháng 8 và 9 năm kháng chiến chống Pháp.

      Xóa
  4. Thật may mắn là mẹ Trâm đã kiên trì đi tìm lại được các tác phẩm của cha Trâm. Mãi tới năm nay, lần sinh nhật thứ 100, công lao của cha Trâm mới được đánh giá xứng đáng, chúc mừng gia đình Trâm!
    Mình rất tiếc, chân vãn chưa bình phục để đến dự lễ kỉ niệm cùng Trâm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trâm cũng rất tiếc, là Thanh Mai không đến dự được Buổi lễ kỉ niệm 100 năm ngày sinh của cha Trâm. Đúng như Mai nói, mẹ Trâm đã bỏ nhiều thời gian và tâm sức để tìm tòi, thu lượm những tác phẩm của cha Trâm. Tình yêu của ông bà vô cùng thắm thiết và sâu đậm.

      Xóa
  5. Tôi rất mừng là được Trâm mời đến dự buổi lế Tưởng Niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn Nguyễn Đình Lạp. Buổi lễ do Hội nhà văn và gia đình tổ chức rất trang trọng, rất ấm cúng và tình cảm. Nó đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc và biêt thêm được nhiều điều. Chơi với Trâm đã lâu. Đã đọc hết các tiểu thuyết của cha Trâm, đã đọc quyển “ Làm vợ nhà văn” của mẹ Trâm. Nhưng đến bây giờ tôi mới biết là những việc ông đã làm, đã để lại trong cuộc đời ngắn ngủi của ông thì còn rất nhiều. Có cảm giác như ông rất vội, ông làm một lúc nhiều việc . Viết tiểu thuyết, viết báo, làm công tác lãnh đạo và tổ chức liên tục các lớp Văn hóa Kháng Chiến để đào tạo các nhà văn.
    Ông luôn có mặt bên cạnh những lãnh tụ văn hóa thời bấy giờ như Tố Hữu, Đặng Thái Mai, Nguyễn Đình Thi. Nếu còn sống, ông sẽ là một trong những nhà lãnh đạo văn hóa của nước nhà. Có những bài rất dài đánh giá về sự nghiệp văn chương của ông. Coi ông là một nhà văn có tài năng và đức độ. Tôi xúc động khi thấy ông đã đi xa lẩu rồi ( 60 năm) nhưng tình cảm của bạn bè đối với ông vẫn không hề phai nhạt, Họ kể về những kỷ niệm nhỏ nhất và khóc nấc lên không kìm được. Trong buổi lế này Hội nhà văn đã chính thức kiến nghị với nhà nước về việc đặt tên ông cho một Đừng Phố ở HN và đề nghị Tặng giải thưởng Nhà nước cho ông.
    Rất mừng là được nghe bài phát biểu của Trâm, cũng coi như là bài cám ơn và kết thúc buổi lẽ. Trâm đọc rõ ràng lưu loát. Nội dung đầy đủ, dản dị, khiêm tốn, rất dễ thương và gây xúc động cho mọi người. Rất lâu rồi mới nhìn thấy Trâm khỏe mạnh và khí thế như vậy. Cố lên Trâm nhé.

    Trả lờiXóa
  6. Ánh là người bạn duy nhất đến dự Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cha Trâm. Trâm có gọi cho Mai, nhưng chân Mai còn đau, chưa đi đâu được.
    Ánh đã dự Lễ từ đầu đến cuối, theo dõi rất chăm chú từng báo cáo, từng lời phát biểu. Chúng ta đã hiểu nhau từ năm 11, 12 tuổi và càng ngày càng hiểu nhau hơn. Cha Trâm cũng như ba Ánh,- bác sĩ Đặng Văn Ngữ tài ba và nổi tiếng, đều là những trí thức đi theo Cách mạng từ những ngày đầu, và đã mang hết sức mình để đóng góp cho đất nước. Hai đứa mình cùng cố gắng để xứng đáng với cha mẹ mình Ánh nhỉ.

    Trả lờiXóa

tramngoc4x@gmail.com